Friday, September 10, 2010

Đơn Vị Không Có Binh Nhì


(Bảo Ðịnh Nguyễn Hữu Chế, cựu Tiểu Đoàn Trưởng/TĐ2/43)

Khi quân Cộng sãn xâm lăng Bắc Việt hoạch định kế hoạch tấn công Thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh, nơi đặt Ðại bản doanh của BTL/SĐ18BB/QLVNCH, chúng đã không tiên liệu được sức kháng cự anh dũng và mãnh liệt của quân trú phòng. Sư đoàn 18 BB/QLVNCH được đặt dưới quyền Tư lệnh của Chuẩn tướng Lê Minh Ðảo, xuất thân khóa 10 Trường Võ bị Quốc gia Ðà lạt, kể từ ngày 4/4/1972. Là một tướng lãnh trẻ, năng động, và rất được lòng quân sĩ thuộc cấp; ông là nhân tố quan trọng của Chiến thắng Xuân Lộc vang dội, làm địch quân phải khiếp sợ, bạn bè kính nể. Các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ đã không ngớt ca ngợi chiến công to lớn này, kể cả những nhà báo thân Cộng sản. Ta có thể không ngoa chút nào khi đem so sánh trận chiến Xuân Lộc (XL) năm 1975 với trận chiến Ðiện Biên Phủ (ĐBP) năm 1954.

Năm 1954, tại lòng chảo ÐBP, Bắc Việt, Việt Minh với quân số áp đảo và địa thế thuận lợi, sau 55 ngày đêm bao vây, đã gây cho quân đội trú phòng của Ðại tá de Castries (được thăng Thiếu tướng ngay tại mặt trận) 8,000 thương vong, và khi trận chiến kết thúc, 9,500 quân sĩ bị bắt làm tù binh (kể cả vị chủ tướng de Castries). Người Pháp coi đó là cuộc thua trận nhục nhã, Việt Minh coi đó là một thắng lợi vẽ vang. Trân chiến ÐBP năm 1954 đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneve năm 1954 chia đôi lãnh thổ, bất lợi cho người Việt quốc gia. Năm 1975, tại XL, Tỉnh Long Khánh, Nam Việt, tương quan lực lượng của hai bên là 6 (quân CSBV) và 1 (quân trú phòng). Trong dân gian có câu: Ba đánh Một, không chột cũng què! Nhưng đàng này bên Một, đã không chột, cũng không què. Trái lại bên Sáu đã vừa chột, lại vừa què! Khiến Bộ Chính Trị CSBV phải họp khẩn, chỉ thị Tướng Trần Văn Trà, chỉ huy quân VC miền Nam xuống tận Bản doanh Quân đòan 4 của Tướng VC Hòang Cầm trong vùng đồn điền cao su Bình Lộc ở hướng Bắc của XL xem xét thực tế chiến trường. Lê Ðức Thọ, tên Thái Thượng Hoàng của Triều đình đỏ CSBV phải thú nhận trước thực tế, để rồi chỉ thị: “… kết cục là anh em ta không đánh được XL, bị thương vong nặng, phải rút ra”. Và cuối cùng, kế hoạch tiến chiếm Thủ đô Sàigòn phải thay đổi toàn bộ. Do đó người bạn đồng minh Hoa Kỳ của chúng ta mới có đầy đủ thì giờ để sắp xếp kế hoạch cuốn cờ, và người dân Sàigòn cũng như người dân miền Nam có máu mặt, tự cho mình là thông hiểu thời cuộc, kịp thời di tản đi ra ngoại quốc trước, mặc cho “việc nước, việc dân” để những kẻ “ngu” lo.

“Chỉ huy là tiên liệu”, đó là điều mà bất cứ một cấp chỉ huy nào dù lớn nhỏ của QLVNCH đều phải biết. Nhưng qua trận chiến XL, ta có thể kết luận, tướng tá của quân CSBV không qua một trường lớp nào cả, kể từ Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, Hoàng Cầm… đều chỉ là những tên du kích “răng đen mã tấu” gặp thời mà ăn nên làm rạ, nên chẳng biết bài học “tiên liệu”. Ngay cả tên Ðại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng, bậc thầy của cái gọi là QÐND của CSBV, cũng chỉ thụ huấn một thời gian ngắn tại Trường Võ bị Hoàng Phố bên Tàu. Giáp thắng Pháp bởi vì Giáp coi sinh mạng của quân sĩ dưới quyền chỉ là công cụ của Ðảng, Giáp không coi sinh mạng của con người là vốn quý của Tạo hóa. Do đó sở trường của Giáp là “nướng quân”. Giáp luôn luôn xử dụng chiến thuật biển người trong tất cả các cuộc tấn công. “Ba đánh Một không chột cũng què”. Ðó là câu thần chú mà Giáp đã thuộc nằm lòng.

Trong quyển “Ðại thắng Mùa Xuân”, Văn Tiến Dũng, tên Ðại tướng CS, chỉ huy đoàn quân xâm lăng CSBV khoát lát: “cán bộ tham mưu đã không kịp vẽ bản đồ cho bước tiến quân của bộ đội”. Vậy thì 12 ngày đêm bị cầm chân, phải dậm chân tại chổ với hơn 6 ngàn chiến sĩ của hắn bị phơi thây, 37 xe tăng bị phá hủy tại Mặt trận XL, thử hỏi Dũng đã đủ thì giờ cho cán bộ của hắn vẽ bản đồ chưa? Hay là đã phải than thân trách phận như nữ nhi thường tình: “Mặt trận XL đã ác liệt và đẫm máu từ những ngày đầu tiên…”

Quân đoàn 4 CSBV với 3 sư đoàn 6, 7, và 341, dưới quyền chỉ huy cuả Thiếu tướng Hoàng Cầm, và chính ủy QÐ là Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện. Trong cuộc chiến tranh Việt–Pháp, Cầm từng là Tiểu đoàn trưởng tham dự Trận ÐBP năm 1954. Nhưng hào quang ÐBP năm nào cũng không giúp được cho Cầm làm nên “cơm cháo” gì, trái lại đã “thân bại danh liệt” khi đơn vị của hắn đụng phải SĐ thép 18 BB/QLVNCH. Tên chính ủy QÐ4/CSBV Hoàng Thế Thiện đã dối trá, trấn an các cán binh của hắn như sau: “Tôi nhắc lại, Sàigòn là mục tiêu cuối cùng chứ không phải XL!… các đồng chí cần phải giải thích cho cán bộ và chiến sĩ hiểu vì sao chúng ta không tung hết lực lượng vào mặt trận XL trong lúc này”.

Thật sự quân xâm lăng CSBV đã tung hầu hết lực lượng của chúng vào mặt trận. Ngày 15/4/75, chúng đã tăng viện thêm SĐ 325, và điều động SĐ 10, SĐ 304 vào vị trí. Tổng cộng CSBV đã sữ dụng 6 SĐ. Lấy Sáu chọi Một, chúng nghĩ rằng nhất định SĐ 18 phải chết. Nhưng chúng đã lầm, lầm to! Kết quả của trận đánh ác liệt và đẩm máu kéo dài 12 ngày đêm: hơn 6,000 cán binh CS bị phơi thây tại chổ, 37 xe tăng và xe bọc thép của địch bị phá hủy Ngoài ra, con số thương vong địch do pháo binh và không quân gây ra, một con số đáng kể, nhưng không kiểm chứng được. Chỉ riêng hai trái bom BLU-82 (Daisy Cutter) đã san bằng căn cứ Hậu cần trong vùng đồn điền cao su Bình Lộc với nhiều đạn pháo, lương thực, thuốc men, xăng dầu; cùng gây thương vong cho lối 3,000 quân CSBV. Về thiệt hại của quân bạn được ghi nhận là 30%. Riêng Chiến đoàn 52 là 60%.

Không chiếm được XL để mở đường cho việc tiến chiếm Sàigòn, CSBV buộc phải thay đổi kế hoạch. Chúng chỉ để lại Quân đoàn 4 bám sát và cầm chân SĐ 18, làm lực lượng trừ bị QÐ2/CSBV, sau khi đã làm chủ được Phan Rang, chúng được lệnh tránh né XL, đi vòng qua ngả Bình Tuy, PhướcTuy, theo QL 15 tiến lên đánh chiếm Biên Hòa. Cộng quân từ Cao nguyên, từ Ðalat, Lâm Đồng, theo QL 20 tiến về, hợp cùng cánh quân từ hướng QL 15 đánh chiếm Biên Hòa, uy hiếp Sàigòn.

Vì tình thế biến chuyển mau lẹ, để cứu Biên Hòa, cứu Sàigòn, buổi sáng ngày 20/4/1975, hồi 9 giờ, Trung tướng TL/QÐ3 cùng Ðại tá Hoàng Ðình Thọ, Trưởng P3 bay vào XL và lệnh cho Chuẩn tướng Lê Minh Ðảo, TL Mặt trận, rút toàn bộ lực lượng tham chiến khỏi XL nội trong ngày. Hoàn trả LĐ1ND & TĐ82/BÐQ về BTTM/QLVNCH; lực lượng Tiểu khu Long khánh về Phước Tuy. SĐ18BB di chuyển về hậu cứ tại Long Bình để sẳn sàng nhận nhiệm vụ mới.

Ðể tưởng thưởng những quân nhân hữu công tại Mặt trận XL, Trung tướng Ðồng Văn Khuyên, quyền TTMT/BTTM/QLVNCH đã ban hành SVVT về việc ân thưởng cho tất cả quân nhân QLVNCH tham chiến tại Mặt trận Xuân lộc, mổi người lên một cấp. Riêng Chuẩn tướng Lê Minh Ðảo, TL/SĐ18BB kiêm TL/Mặt trận XL đã được Tổng Thống Trần Văn Hương vinh thăng đặc cách mặt trận lên cấp Thiếu tướng kể từ ngày 25/4/1975.

Và kể từ ngày đó, những đơn vị tham chiến 12 ngày đêm tại Mặt trận Xuân Lộc đã không còn cấp Binh Nhì.

Michigan, ngày 31 tháng 12 năm 2004

Bảo Ðịnh Nguyễn Hữu Chế

Cựu Tiểu đoàn trưởng TĐ2/43, SĐ18BB